Ngày 24/8, tại thủ đô Budapest, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Hội Hữu nghị Hung-Việt, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary long trọng đồng tổ chức buổi Gặp mặt hữu nghị kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023) và Quốc khánh Hungary (20/8/2023), với sự tham dự của gần 150 bạn bè Hungary, khách mời từ Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại, Quốc hội, chính quyền thành phố Budapest, đông đảo hội viên Hội hữu nghị Hung-Việt và lãnh đạo Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary và đại diện tiêu biểu các hội đoàn, doanh nghiệp, sinh viên và bà con cộng đồng người Việt tại Hungary.
Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Hungary-Việt Nam Kristóf Szatmáry, Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary, Lőrincz Dániel Csaba và cựu Đại sứ Hungary tại Việt Nam Őry Csaba là khách mời danh dự.
Phát biểu khai mạc cuộc Gặp mặt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hung-Việt Botz László, tự hào chia sẻ về lịch sử ngày lập quốc của Hungary và quốc khánh Việt Nam; bày tỏ sự trân trọng và tình cảm của nhân dân Hungary đối với Việt Nam, đặc biệt các thế hệ người Việt từng học tập ở Hungary luôn dành tình yêu cho đất nước Hungary, nhất là văn hoá, ngôn ngữ Hungary; khẳng định Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực.
Phát biểu đáp từ, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự cuộc gặp mặt hữu nghị kỷ niệm Quốc khánh hai nước Việt Nam và Hungary; nêu bật ý nghĩa lịch sử của ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điểm lại những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary trong suốt 73 năm qua, đặc biệt sau 5 năm nâng cấp lên Đối tác toàn diện (2018-2023), Đại sứ khẳng định quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp với các trụ cột chính trị-ngoại giao, kinh tế- thương mại, tư pháp, giáo dục – đào tạo và hợp tác 2 Quốc hội.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo cảm ơn Chính phủ Hungary đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt đánh giá cao Hội hữu nghị Hungary-Việt Nam đã luôn hỗ trợ giúp đỡ, đồng hành trong mọi hoạt động của Đại sứ quán, góp phần đưa quan hệ đối ngoại nhân dân tiếp tục có những bước phát triển mới; bày tỏ niềm tự hào về cộng đồng người Việt tại Hungary luôn đoàn kết, hội nhập tốt, hướng về Quê hương và là cầu nối quan trọng, nâng tầm vị thế Việt Nam tới bạn bè Hungary.
Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt hữu nghị, lần đầu tiên Lễ tôn vinh dịch giả Việt Nam trong cộng đồng và dịch giả Hungary được tổ chức tại Budapest. Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo đã trao Giấy khen của Đại sứ quán tặng bốn cá nhân Việt Nam vì “đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam và Hungary”.
Các dịch giả Việt Nam được tặng giấy khen lần này gồm các ông Giáp Văn Chung, Trần Đình Kiêm, Phan Anh Sơn và Trịnh Quang Thắng, hầu hết đều là những người có vốn sống, hiểu biết sâu rộng về nền văn học Hungary được tích lũy trong suốt thời gian học tập, làm việc và sinh sống tại Hungary từ cuối những năm 80 thế kỷ trước để liên tục cho ra mắt các tác phẩm dịch quan trọng của văn học Hungary và Việt Nam cũng như quảng bá, giới thiệu văn hoá hai nước.
Có thể kể đến những áng văn chương cổ điển như “Những ngọn nến cháy tàn” của những bậc thầy văn xuôi, tản văn Hungary thế kỷ 20 là Márai Sándor và Kertész Imre (giải Nobel Văn chương năm 2002), cho đến các tác phẩm hiện đại của Hungary như “Cánh cửa” của “Bà hoàng văn học Hungary” Szabó Magda, và “Chiến tranh và chiến tranh” của Krasznahorkai László, và cả các truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư …do TS. Giáp Văn Chung dịch nhằm giới thiệu diện mạo nền văn học Hungary và Việt Nam.
Các tác phẩm thi ca của một số thi sĩ Việt Nam thời chiến tranh như Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh do Phan Anh Sơn kết hợp với một đồng nghiệp Hung, nhà thơ Balázs F. Attila dịch; hay tác phẩm dịch “Say xỉn học toàn thư” (Nagy macskajajkönyv) của hai tác giả Cserna-Szabó András và Darida Benedek do NXB Dân Trí ấn hành (2019) và tập thơ “Xương của nắng” (Napszálkák) do NXB Hội Nhà văn xuất bản cuối năm 2021, bản dịch tiếng Hungary tác phẩm “An lạc từng bước chân” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đều do Phan Anh Sơn chuyển ngữ giới thiệu những giá trị thi ca mới của hai dân tộc.
Đối với ông Trần Đình Kiêm, hai cuốn hội thoại Hung-Việt, Việt – Hung, quyển Tiếng Hungary cơ bản cho người Việt Nam được ra đời với mong muốn góp phần giúp thế hệ lưu học sinh Việt Nam cũng như cộng đồng Việt Nam tại Hungary khắc phục khó khăn về ngôn ngữ trong cuộc sống tại Hungary. Đặc biệt, hai tập đại từ điển Việt-Hung và Hung-Việt được biên soạn, chỉnh lý năm 2015 là những tác phẩm điển hình, tâm huyết ấp ủ để đời của tác giả Trần Đình Kiêm.
Ông Trịnh Quang Thắng, chủ tịch Quỹ Văn hoá Vì văn hoá Hungary -Việt Nam là người Việt đầu tiên góp mặt tại Liên hoan sách Quốc tế Budapest năm 2010 với cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Hungary “Bí mật ngôi chùa Patamcsui” là “những đúc kết, chiêm nghiệm, ghi lại những hiển hiện bằng con mắt tinh thần bằng tiếng Hungary” theo chia sẻ của ông. Quỹ Văn hoá cũng đã có nhiều sáng kiến giới thiệu các nét văn hoá ca nhạc truyền thống Việt Nam tại Hungary và ẩm thực Hungary tại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo tặng quà và trân trọng cảm ơn tác giả kiêm dịch giả Hungary Sandor Halmosi đã tạo cơ hội để thơ ca Việt Nam hội nhập cùng thế giới, quảng bá các tác phẩm Việt Nam. Ông có quan hệ rộng khắp với các hội nhà văn nước ngoài trong đó có Hội nhà văn Việt Nam, với các nhà thơ đương đại, thiết lập các dự án hợp tác dịch văn học nước ngoài, gồm cả Việt Nam ra tiếng Hung; trực tiếp biên soạn, xuất bản tập thơ dịch về chiến tranh của các nhà thơ lớn Việt Nam, truyện ngắn của Bảo Ninh, một tập san về văn học Việt Nam tại Hungary.
Cựu Đại sứ Hungary tại Việt Nam Őry Csaba và Đại sứ Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo xúc động bày tỏ sự ngưỡng mộ, tri ân tới các dịch giả, những người đã góp phần làm cầu nối, quảng bá, giới thiệu hai nền văn hóa, văn học Việt Nam-Hungary, giúp hai dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Trong buổi lễ, các đại biểu được đắm mình trong các bài hát “Quê hương”, “Niềm vui thống nhất”, trong tiếng đàn tranh du dương, trò chuyện vui vẻ, thân tình, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống của Hungary và Việt Nam.