Một buổi gặp gỡ, liên hoan, vui chơi linh đình của gần 150 các cháu gốc Việt tại quán VinVin 2 được tổ chức vào ngày 28/08/2021 vừa rồi. Vui quá là vui, thành ra lúc đầu dự định khoảng 21 giờ bế mạc, mà cuối cùng đến gần 1 giờ đêm các bạn mới chia tay nhau về.
Ý tưởng tạo ra một sân chơi, một cộng đồng có tính chất bạn bè để các bạn người Việt thế hệ thứ hai có dịp gặp, làm quen, kết bạn với nhau được anh Nguyễn Tiến Sỹ, cựu chủ tịch CLB tennis Budapest, người rất có tâm huyết với cộng đồng, ấp ủ đã lâu. Anh, cũng như nhiều cha mẹ Việt khác ở nước ngoài luôn trăn trở với hướng dạy con,gặp không ít những khó khăn để hiểu đứa con sinh ra và lớn lên tại môi trường nước ngoài, có những suy nghĩ, cách sống khác hẳn với cha mẹ từ Việt nam sang.Các bạn ấy hay được gọi đùa là chuối, bên ngoài là da vàng mặt Việt, nhưng bên trong cả suy nghĩ lẫn cư xử phần lớn đã thành người Hung. Làm sao giải quyết những mâu thuẫn thường ngày, không chỉ phát sinh từ chênh lệch tuổi tác giữa hai thế hệ, mà còn phát sinh từ nhiều ảnh hưởng của quá trình lớn lên trong xã hội Hungary (szociálizáció) nữa.
Có lẽ ai cũng thấy chút buồn buồn, khi hai đứa trẻ Việt lên tầu điện đứng cạnh nhau mà không chào nhau, bởi chúng đâu có quen nhau, hay trên khuôn viên các trường đại học, nhiều đứa không biết bạn cùng khóa là ta hay tàu, tên thì cũng toàn tên tây, đến khi xem sổ thấy họ Nguyễn mới dám nhận đồng hương, cũng chỉ vì chúng đâu có biết nhau.
Trên thế giới, những công ty lớn hàng đầu Microsoft, Apple, Facebook… lúc sơ khai đều được sáng lập bởi các bạn trẻ thân nhau, học cùng nhau. Ở Hungary, các vị trong bộ tam trụ và nhiều lãnh đạo khác đều là bạn học, bạn cùng ký túc xá cũ của thủ tướng Orbán. Đó là những chuyện có vẻ xa vời, nhưng tất cả đều có xuất phát điểm cần thiết là sự quen, biết, tình bạn, mà muốn cho các bạn trẻ làm quen, kết bạn, đầu tiên phải tạo sân chơi, tạo điều kiện cho chúng gặp nhau đã.
Xuất phát từ những suy nghĩ trên, cuối hè năm 2017, anh Sỹ có một buổi họp mặt với một số các bạn trẻ tích cực. Bàn đi bàn lại, lên chương trình, thế rồi thời gian trôi qua, ý nguyện cũng vẫn chưa thành. Đùng một cái kêu gọi tập trung nhiều bạn trẻ lại để làm một buổi vui chơi (buli), không phải dễ. Bẵng đi một thời gian, nhân một buổi tổng kết giải tennis trẻ do anh Sỹ tài trợ, có gần 90 cháu tập trung ăn mừng, câu chuyện VIFI lại được khơi dậy. Và từ lúc này hình thành một đội ngũ chủ lực (không dùng từ cốt cán nhé ), tích cực, với những thành viên „cứng” như Khải, Tùng, Hà, Ngân, Evelin, Trí và nhiều bạn khác. Họ thường gặp nhau, trao đổi, bàn bạc, thường tổ chức các buổi brainstroming. Nhân dịp Tết 2019 Hiệp hội cũng đã mời 5 bạn đại diện VIFI tới tham dự buổi chiêu đãi ngoại giao và các bạn ấy cũng có lời khen, hóa ra các cô chú Hiệp hội cũng làm việc khá nghiêm chỉnh đấy chứ (elég komoly).
Trang facebook của nhóm VIFI cũng ra đời, cho tới ngày hôm nay đã có 644 thành viên. Buổi gặp mặt năm 2018 có 140 bạn tham gia, Noel năm 2019 có 180 bạn, vì Covid bỏ năm 2020, nhưng buổi họp mặt mới đây năm 2021 có gần 150 bạn tới và bạn nào cũng rất vui, rất ấn tượng khi ra về, mong đợi buổi gặp mặt mới. Các buổi họp mặt đều được tổ chức tại VinVin và nhận giá ưu đãi của chú Sỹ. Thật không khỏi cảm động khi đọc lời tự giới thiệu trên nhóm fb VIFI: „ Cội nguồn gốc rễ Việt Nam kết nối chúng ta lại. Đây là một di sản mà nhiều người trong chúng ta có thể xác định được. Chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng trên sự gắn kết này để cho các thanh niên Việt Nam sống ở Hungary cùng tụ hợp lại. (A vietnámi gyökerek összekötnek minket. Ez az örökség amivel sokan azonosulni tudunk. Erre a kötelékre szeretnénk építeni egy közösséget ahová tartozhatnak az itteni vietnámi fiatalok.)
Hoạt động của các bạn trẻ chưa nhiều, chủ yếu là các buổi gặp gỡ vui vẻ, nhưng lại có nhiều ý nghĩa, đặc biệt giải quyết được kha khá những khúc mắc, cản trở tâm lý cho nhau. Các bạn ấy không hô khẩu hiệu, không đề cập vấn đề lý tưởng, càng không bầu các ban bệ, các chức danh, các bạn ấy làm việc, trao đổi rất dân chủ, thoải mái, vui vẻ, tự giác. Ngoài việc giúp cho hằng trăm bạn trẻ gốc Việt quen nhau, biết đến nhau, gắn bó với nhau qua một điểm chung „gốc Việt”, mà họ hay đùa rằng „az ősök vietnámiak”. Có thể khó tin, nhưng có những bạn trước đây ngại ngùng nhận cái gốc Việt của mình, giờ xung quanh thấy nhiều bạn trẻ rất tự tin, và tự hào về gốc Việt, đã dần dần tự thay đổi dần suy nghĩ. Trên trang fb các bạn gọi nhau tham gia các project nghiên cứu, hò nhau đi tập thể thao, đá bóng, mời đi đóng phim, giới thiệu các trường đại học tốt, giới thiệu công ăn việc làm cho nhau, kêu gọi giúp đỡ phiên dịch cho những người không biết tiếng… Đặc biệt các bạn tổ chức các khóa học tiếng Việt, cùng với sự trợ giúp của các cô chú tâm huyết tại trung tâm tiếng Việt TT châu Á, tự giác đăng ký đi học. Có ít nhất một phụ huynh đã mừng vô tả, vì trước đó bao nhiêu năm, với hàng trăm lời động viên, con anh chị vẫn dứt khoát không chịu học tiếng Việt, cháu coi cháu là người Hung, vậy mà giờ theo các bạn vui vẻ tới lớp đánh vần.
Người lớn chúng ta đôi khi hay dùng chữ đao to búa lớn như „hướng về cội nguồn” hay „tìm hiểu lịch sử quê hương” ….. Đối với các bạn trẻ này, chúng ta không thể bắt học thuộc lòng sự tích trăm trứng hay biết rõ Thánh Gióng, Tấm Cám được. Thế nhưng, ví dụ qua buổi gặp gỡ vừa rồi, chúng nó đã đưa câu chuyện của bố mẹ thời xa xưa ra hỏi nhau, tại sao ngày trước học xong phải về nước ngay, tại sao bị cấm đoán có tình cảm hay lấy người Hung, rồi tại sao các bố mẹ dù sang đây học hay đi lao động, đều muốn ở lại? Tại sao bố mẹ luôn làm việc nhiều vậy ? Tại sao bố mẹ có thể chịu đi 3 đôi tất, bọc ni nông ngoài giầy, đứng giữa trời -20 độ để bán hàng kiếm tiền ?…. là những câu hỏi mà thực sự rất nhiều đứa trẻ không biết câu trả lời, và chúng nó đã giải thích cho nhau nghe, hiểu ra thêm. Vâng, tìm hiểu cội nguồn đây chứ là đâu ạ, bắt đầu từ cái gia đình nhỏ bé của mình và qua đó, các bạn ấy có thể hiểu thêm phần nào hoàn cảnh lịch sử của đất nước.
Thế hệ thứ nhất người Việt chúng ta ra đi nước ngoài „tìm đường cứu nước, cứu nhà” hay nghĩ rằng, các bạn trẻ bây giờ quá sung sướng, quá đầy đủ, không phải lo ăn, lo mặc, lo kiếm tiền gửi về nhà như họ. Nhưng thật ra, các bạn ấy trong cái „sung sướng” dư thừa về vật chất cũng có nhiều cái trăn trở của riêng mình, phải đối diện với rất nhiều sự lựa chọn, nhiều thách thức (kihívás), trong đó có một thách thức chính là sự mong đợi (elvárás) lớn của chính bố mẹ mình đưa ra, nào là phải có bằng nọ, phải học trường kia, rồi phải thi học sinh giỏi môn này, học bạ phải xuất sắc thế kia….. Đây là ý kiến của anh Sỹ, và theo anh, rất nhiều bạn trẻ đã tìm được lời giải đáp, hoặc ít nhất là sự đồng cảm, sự chia sẻ cho những trăn trở trên qua những lần giao lưu, chuyện trò cùng các bạn cùng gốc Việt khác.
Và cuối cùng, một điều nhỏ nhưng để lại ấn tượng lớn cho người viết bài này. Khi nghe tin các cháu VIFI sẽ tổ chức buổi gặp mặt, tôi có ý hỏi, các cháu có cần Hiệp hội ủng hộ kinh phí tổ chức không ? để tôi đề nghị tới BCH. Các cháu trả lời, bọn cháu chưa làm được việc gì lớn, hơn nữa đây là buổi „ăn chơi” (buli) của các cháu, tất cả sẽ tự nguyện đóng tiền vui vẻ. Vâng, các bạn trẻ ấy không có phong cách xin-cho, không chìa tay nhận ủng hộ, chuyện vật chất rất rõ ràng, rành mạch, đàng hoàng, các bạn chỉ nhận khi cần và khi xứng đáng. Thật khâm phục.
Xin được thay mặt các phụ huynh cám ơn lòng nhiệt tình và công sức của anh Nguyễn Tiến Sỹ, hay như các bạn trẻ vẫn gọi một cách trìu mến, Simi bácsi.