Halmosi Sándor là một thi sĩ đặc biệt của Hungary. Thơ anh luôn mãnh liệt ở tư tưởng tự do, tình yêu với đời sống thơ chân thực trong khi lại nhuần nhị với triết lý Đông Phương. Không cần trang trí cho thơ mình bằng vỏ chữ hào nhoáng, cũng chẳng dùng tới vần điệu cách lối thông thường, Halmosi Sándor là người thơ tự tin trải những dòng thơ của mình ra không gian theo cách không lặp lại, không giống ai, và sự bắt chước cũng là bất khả.
Năm 2019 thi sĩ Halmosi Sándor tới Việt Nam lần đầu tiên, đọc thơ tại Văn Miếu trong Liên Hoan thơ Quốc tế lần III. Sau đó, tập thơ “Mười ngày 57 – Bản chất nước đôi của im lặng” của anh đã được dịch giả Nguyễn Chí Hoan dịch sang tiếng Việt và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020. Tập thơ gồm 56 bài thơ, phần lớn theo thể thơ tự do, có bài chỉ có hai dòng thơ, có bài thật dài, trải ra tới 11 trang sách.
Điều lạ là các nhan đề bài thơ lại không nhất thiết là cốt lõi của cả bài, hoặc một ý chính rút ra từ toàn bộ bài thơ, mà nhiều khi chỉ là một hình ảnh có tính liên tưởng, một tiền đề để tạo nên hình dung, hoặc không gian cho thơ ấy. Và thi sĩ này cũng không ngại ngần tạo nên những “cú sốc” cho độc giả khi đang mải miết chạy theo dòng thơ, thì thình lình dòng thơ ấy bị bẻ gãy, như ta đang ngồi trên chiếc thuyền, trôi nhè nhẹ theo dòng nước, thì bất ngờ gặp thác và không kịp trở tay.
Những cú ngoặt, cú bẻ lái bất ngờ của chữ, bắt buộc độc giả phải tỉnh thức khi đọc. Nhà thơ không muốn ru ngủ độc giả của mình bằng câu chữ êm ái, vần điệu du dương, trái lại anh thấy rõ một thế giới đang mê ngủ, và anh đánh thức thế giới bằng những câu thơ sắc nhọn, bằng tốc độ, bằng cú hãm phanh xốc nảy của ý tưởng gai góc, bằng lưỡi dao sắc mổ xẻ thẳng cắt những khối u của dục vọng được bản ngã khéo ngụy trang đậy điệm.
Tuy nhiên, nếu không kiên nhẫn, và yếu bóng vía, chắc sẽ khó đọc thơ Halmosi Sándor. Thoạt đầu, chính tôi cũng bị nảy bật trở ra, gấp sách lại bởi những vần thơ khó như thách đố, những hoạt động liên tiếp nhưng không theo logic thông thường mang lại vẻ trừu tượng cho toàn cảnh mà thơ tạo ra, khiến người đọc thốt nhiên rơi thỏm vào bối rối. Và nếu bạn cũng gặp cảm giác đó, thì đừng cố gắng đọc ngay cho hết tập thơ trong một ngày, dù tập thơ chỉ có chưa đầy 100 trang.
Hãy gấp sách lại, trân trọng đặt nó lên giá, thậm chí có thể tạm quên nỗi bối rối kia đi. Và rồi đến một ngày nào đó, bạn gặp một cú sốc tinh thần lớn hoặc nhỏ, hoặc một ký ức sâu thẳm trỗi dậy, hoặc một biến cố xảy đến, hay là niềm hạnh phúc mới cảm nhận, thì chợt một câu thơ của Halmosi Sándor bỗng xẹt ngang như một tia chớp. Bạn sẽ cố nhớ trọn vẹn câu thơ đó một lần, và rồi chẳng thể bỏ qua nó, bạn sẽ trở lại với giá sách, lấy lại cuốn thơ “Mười ngày 57 – Bản chất nước đôi của im lặng”, tìm đến câu thơ lóe sáng đó để đọc lại, và bỗng dưng, hạnh phúc ngập tràn, hạnh phúc của sự đồng cảm tâm hồn với nhà thơ, của sự giác ngộ, của thức tỉnh.
Tôi đã nghĩ mình cần trích dẫn ra một số câu thơ đã khiến tôi hạnh phúc, khiến tôi choáng váng hoặc ngạc nhiên như thế trong tập thơ. Tôi gọi đó là những ánh chớp thơ giúp tôi thức tỉnh. Tuy nhiên, thơ lại khó như có mã hóa, mà chỉ khi tinh thần của người đọc bị thêm một cú sốc khác ngoài đời, mới có thể mở mã thơ, nên tôi đã quyết định không trích dẫn một câu thơ nào trong tập thơ của Halmosi Sándor. Bạn cần đọc tập thơ một cách trọn vẹn.
Bạn sẽ tìm ra một thế giới tinh thần bao lâu ngủ quên trong chính mình. Và khi tìm thấy, bạn được tự do rong chơi, khám phá sự kỳ thú trong tâm tưởng của chính mình. Bạn bắt đầu xâu chuỗi những hiện tượng xảy ra với chính mình, tưởng như rời rạc, tưởng như xa lắc, mà rồi cuối cùng đều có liên đới với nhau, tạo nên bạn hôm nay, một cái vỏ được trang trí quá nhiều. Và ánh chớp ấy rạch nó ra, để bạn nhìn thấy chính mình trong ánh sáng, trong hạnh phúc tuyệt đỉnh mà trước đây bạn chưa bao giờ có được.
Sau hết, thì dường như Halmosi Sándor không cần cố gắng làm thơ, mà mỗi lời anh thốt ra, mỗi từ anh viết tự nhiên đã là thơ rồi. Cuộc sống của anh là một bài thơ chân thực nhất, là trường ca bất tận.