ĐƯA RA NHỮNG LÝ LẼ ĐỂ CHỌN LỰA
Trước khi lựa chọn điểm đến du học, có lẽ bạn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về điểm đến vì điều này liên quan trực tiếp tới tình hình tài chính, bản thân chương trình học và động lực học hành của bạn. Mức phí thuê nhà ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở các khu trung tâm, tất nhiên sẽ đắt đỏ hơn so với thuê nhà ở các thành phố nhỏ. Chưa kể đó cũng là những nơi sẽ tốn của bạn nhiềuchi phí đi lại, vui chơi giải trí hơn.
Kế đến, chương trình học hay phong cách sống cũng là hai điều bạn nên lưu ý. Dù bạn có mê cuộc sống đô thị đến mấy mà chương trình học lại chỉ được giảng dạy ở thành phố nhỏ thì bạn cũng chẳng có lựa chọn nào khác (chẳng hạn như những ngành học gần gũi với thiên nhiên, cần nhiều không gian như trang trại, hầm mỏ). Hoặc, trong trường hợp bạn là một người chỉ thích sống ở những nơi phong cảnh hữu tình, nhịp sống yên bình chậm rãi, thì dĩ nhiên những xô bồ nơi thủ đô chẳng phải là điểm đến lí tưởng.
Vì thế, để có thể đưa ra được lựa chọn thích hợp, bạn cần đặt ra cho mình những tiêu chí ưu tiên – tài chính, nguyện vọng và bản thân nội dung chương trình học. Tất nhiên mỗi người cũng sẽ có những lí do này hay lí do khác để chọn học một nơi nào đó và tự họ cũng đã có những lí giải riêng mình. Ví dụ có người chọn học ở Hà Lan vì mê đội tuyển bóng đá nước này, có kẻ lại học ở Tây Ban Nha để có thể luyện tập ngôn ngữ này, mà cũng có người chọn tới Thuỵ Sĩ vì một nửa trái tim đang du học ở đó chẳng hạn.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN Ở CÁC THÀNH PHỐ LỚN
Dù là thành phố lớn hay thị trấn nhỏ cũng sẽ có những thuận lợi/hạn chế riêng. Dĩ nhiên là những siêu đô thị như Berlin, Paris, London, New York sẽ là địa điểm mơ ước của những con người thành thị. Việc học ở những thành phố lớn như vậy sẽ giúp bạn kết nối dễ dàng hơn với thế giới và phần còn lại của đất nước, bởi đây là nơi được ưu ái nhất về các vấn đề giao thông, vận chuyển.
Những thành phố này đa phần cũng có một lực lượng nhập cư đông đảo, bao gồm cả các sinh viên quốc tế đến từ mọi miền thế giới, nên hãy yên tâm là bạn sẽ được đắm mình trong môi trường đa văn hoá. Vấn đề khám phá ẩm thực chưa bao giờ đơn giản hơn, khi mà mỗi khu phố lại có thể tìm thấy một nhà hàng, siêu thị chuyên các sản phẩm của đất nước nào đó. Sống ở một nơi bận rộn, bạn sẽ bị sự hối hả của cuộc sống kéo đi. Bất cứ lúc nào cũng có thể giải trí hay theo đuổi những khoá học thú vị.
Tuy nhiên, hạn chế của các thành phố này là sự đắt đỏ của đời sống. Vì giá thuê nhà ở những khu trung tâm quá đắt, bạn sẽ buộc phải tìm đến những nơi ở ngoại thành, và điều này lại ảnh hưởng tới chi phí, thời gian đi lại. Chưa kể các trường Đại học lớn đặt ở trung tâm thành phố thường là những ngôi trường cổ kính, không có ký túc xá riêng, nên bạn sẽ khó lòng tìm được một chỗ trong khu ký túc. Cũng vì sự thiếu đảm bảo về cơ sở vật chất, đôi khi bạn sẽ phải chạy đi chạy lại từ đầu này qua đầu kia thành phố vì các tiết học được giảng dạy ở nhiều nơi rải rác khác nhau. Một điều bạn cũng cần phải lưu ý nữa đó là phong cách bận rộn có phần lạnh lẽo ở nơi “chốn phồn hoa”. Vì ai ai cũng bận rộn nên bạn sẽ khó có cơ hội làm quen kết bạn hay khám phá đời sống văn hoá địa phương. Chuyện, muốn gặp bạn bè cũng phải hẹn hò nhau trước cả mấy tuần mà!
ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT SỐ THÀNH PHỐ NHỎ
Nghe nhắc tới các thành phố, thị trấn nhỏ, có lẽ bạn sẽ hình dung ra một cuộc sống có phần tẻ nhạt. Điều này có thể đúng, nhưng chỉ đúng với khoảng thời gian lúc mới sang, khi bạn chưa có nhiều mối quan hệ. Ở các thành phố nhỏ, người dân thường rất thân thiện, các thầy cô cũng quan tâm nhiều hơn đến sinh viên. Thế nên bạn sẽ có nhiều cơ hội khám phá, làm quen với văn hoá bản địa. Đúng vậy, phải kể thêm một điểm mạnh nữa của thành phố nhỏ đó là sự đông đảo của sinh viên bản địa. Chị Ngô Thị Giáng Uyên (tác giả cuốn “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”), người đã từng sang Anh theo học bằng học bổng Chevening, cũng đã chọn học MBA tại Southampton với mục đích có thể làm quen với nhiều bạn bè bản xứ.
Có những thành phố nhỏ mà số sinh viên có thể đông hơn cả số dân trong thành phố, và thế là bạn có thể sống trong một môi trường thực sự trẻ trung, sôi nổi. Đó là nơi bạn có thể tìm đến các nhà hàng, quán bar, cửa hàng, các câu lạc bộ đậm đà phong cách sinh viên, với mức phí khiêm tốn. Thật vậy, rất nhiều sinh viên nước ngoài chọn học tại những thành phố nhỏ vì rẻ hơn về chi phí. Ở các thành phố lớn, đôi khi bạn sẽ phải trả số tiền gấp đôi cho một chỗ ở dưới tỉnh, nhưng diện tích lại chỉ bằng 1/3 chẳng hạn.
VẬY, ĐÂU SẼ LÀ QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN?
Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi này. Thử làm một bản so sánh, phân tích thiệt hơn các điểm đến, hỏi han những người từng học tập tại nơi đó hoặc đơn giản là “google earth” xem cảnh sắc nơi đó có khiến bạn mê mẩn hay không. Quan trọng là bạn phải thích !