Chính quyền thành phố Budapest vừa ra thông cáo về kết quả xét nghiệm kháng thể miễn phí được thực hiện vào tháng 7/2021 với đối tượng là cư dân thủ đô từ 60 tuổi trở lên. Kết quả sơ bộ cho thấy quan ngại về việc vaccine Sinopharm (Trung Quốc) không tạo ra đủ lượng kháng thể trung hòa IgG trong máu của người đã tiêm chủng, là có cơ sở.
Trên nguyên tắc, người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm đủ hai liều vaccine kháng virus SARS-CoV-2 sẽ sản sinh kháng thể ngăn ngừa bệnh. Do đó, xét nghiệm kháng thể là một trong những phương pháp để phát hiện cơ thể có thực sự sản sinh kháng thể chống virus hay không và cơ thể đã đạt được khả năng miễn dịch với virus này hay chưa.
Chiến dịch xét nghiệm kháng thể miễn phí nói trên của chính quyền thành phố Budapest được thực hiện sau khi có nhiều “nghi án” về việc có một tỷ lệ đáng kể người tiêm vaccine Sinopharm – đặc biệt là người cao tuổi – không sản sinh kháng thể, hoặc không có nồng độ kháng thể ở mức được xem là đủ (50 AU/ml). Tổng cộng, 13.524 trường hợp đã được đưa ra khảo sát trong dịp này và kết quả thu được rất đáng để tâm.
Cụ thể, 25,89% số người ở độ tuổi trên 60 được khảo sát, đã không có đủ lượng kháng thể ở mức giới hạn như trên. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ người chích ngừa Sinopharm có đủ kháng thể ở mức chấp nhận được, là 74,11% (5.858 trên tổng số 7.904 người được khảo sát). Đối với các loại vaccine khác mà Hungary cho nhập và sử dụng, tỷ lệ “đủ” cao hơn rất nhiều:
– AstraZeneca – 98,71% (689 trên tổng số 698 người được khảo sát).
– Janssen – 95,24% (40 trên tổng số 42 người được khảo sát).
– Moderna – 98,91% (545 trên tổng số 551 người được khảo sát).
– Pfizer–BioNTech – 98,4% (3.199 trên tổng số 3.251 người được khảo sát).
– Szputnyik V – 96,85% (1.044 trên tổng số 1.078 người được khảo sát).
Khảo sát cũng cho thấy, đối với trường hợp Sinopharm, con số các ca được nghiên cứu cho phép đưa ra kết luận rằng có mối quan hệ rõ ràng giữa độ tuổi và lượng kháng thể không đủ sau khi tiêm chủng. Cụ thể, chỉ có 65,54% người trên 80 tuổi có đủ kháng thể sau khi chích ngừa vaccine Trung Quốc, con số này ở độ tuổi 75–79 là 71,12%, ở độ tuổi 70–74 là 74,61%, ở độ tuổi 65–69 là 75,96%, ở độ tuổi 60–64 là 78,77%.
Xét nghiệm kháng thể có phản ánh được mức độ bảo vệ của vaccine hay không vẫn còn là vấn đề mà giới khoa học chưa nhất trí. Nhiều người cho rằng, kể cả khi không có đủ kháng thể sau khi tiêm, thì vaccine cũng bảo vệ được bằng cách khác, ví dụ thông qua miễn dịch tế bào. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu uy tín của Hungary thì cho rằng, nếu không có kháng thể, không thể nói tới miễn dịch tế bào.
Kết quả “tụt hậu” của vaccine Sinopharm trong khảo sát lần này thật ra cũng trùng khớp với một số nghiên cứu trước đó tại Hungary, và việc nhiều người tiêm vaccine Trung Quốc nhưng vẫn không có đủ kháng thể đã là một trong những lý do khiến chính quyền nước này quyết định tiêm mũi “nhắc” thứ 3 cho tất cả những ai có nhu cầu – nhưng đối tượng chính trong thực tế vẫn là người đã chích ngừa Sinopharm – kể từ ngày 1/8/2021.